Ý tại ngôn ngoại
Ngôn từ là khái niệm mô tả sự kiện giúp hiểu nghĩa bên ngoài thôi nên chỉ thuộc về tục đế, những biểu hiện “vô ngôn” đằng sau mới thực sự toát ra sức thuyết phục mạnh mẽ. Như khi đức Phật thuyết thị, Ngài nói bằng mắt, bằng âm điệu, bằng cử chỉ, bằng năng lực ba-la-mật, bằng đức từ bi, trí tuệ v.v… hơn là những gì Ngài nói ra. Đó là chưa kể về phía người nghe cần có căn cơ trình độ chín mùi, thái độ tiếp nhận trong sáng, tích cực, bối cảnh thực tế hợp tình hợp lý thì mới giác ngộ được.
Tiếc thay khi kết tập lời dạy của đức Phật người sau chỉ ghi nhận được bằng một phần ngôn từ tóm lược đại ý, không thể phản ánh trung thực Sự Thật trong toàn bộ sự kiện ẩn tàng đằng sau ngôn từ ấy. Đó là chưa kể hàng hậu bối còn chú giải, nghị luận làm cho có vẻ dễ hiểu hơn nhưng thật ra chỉ rắc rối phức tạp ra. Vì vậy, trong một pháp thoại, năng lượng là chính chứ không phải ngôn từ. Cùng một lời nói phát ra với lòng từ bi khác xa với tâm sân hận, đó là sức mạnh của năng lượng truyền tải.
Có chuyện chùa thầy nọ có hai con chó, một con đến giờ tụng kinh đều lên chánh điện nằm nghe, một con đến giờ thuyết pháp là chạy đến giảng đường chờ trước. Chúng không nghe tụng gì hay thuyết gì nhưng hưởng được năng lượng từ những môi trường đó.
Không chỉ trong đạo Phật, các bí pháp Tiên gia cũng chú trọng đến năng lượng hơn là chữ nghĩa. Họ chia con người gồm ba phần: Tinh - Khí - Thần. Tinh biểu hiện dạng vật chất thô, Khí là dạng vật chất tế và Thần là một năng lượng siêu thể. Từ cõi Vô Cực, biến thành Thái Cực, rồi sanh lưỡng nghi, từ lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng lại biến hóa vô cùng. Nghĩa là từ vô hình sanh ra hữu tướng là một dạng xuống cấp đưa đến kiếp sống bể dâu, vậy nên Đạo gia chủ trương Vô Vi là trở lại thể tánh vô hành an nhiên. Trong các pháp luyện Đan, luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần hoàn Hư, tức là trở lại vô cực. Trở lại với chân tính uyên nguyên khởi thủy, từ vật chất Thô tiến về Tế và vượt thoát siêu nhiên.
Mọi diễn tiến trong đời sống diễn ra một cách khách quan theo quy trình Thành Trụ - Hoại - Không, vì thế cổ nhân xem thế gian vốn vô sự. Chọn cuộc sống vô vi tịch tịnh làm niềm vui mà tiến hóa, tĩnh lặng mà hấp thu năng lượng của trời đất để trở về chân tính - Đạo, một quan niệm sống của người xưa Á Đông. Hầu hết các pháp của thiền gia và Tiên đạo đều dụng tâm tác ý, biến thân pháp thành tâm pháp, biến tâm pháp thành Đạo lực, một sức mạnh siêu nhiên mà không một lực vật chất nào có thể so sánh. Ví dụ, trước một cộng nghiệp như hạn hán, thiên tai, một chân sư, minh sư Bồ Tát hay thiền sư đắc đạo có thể hoán chuyển ngăn chặn, nhưng thường các ngài không muốn can dự vào luật nhân quả của chúng sanh mà chỉ hướng dẫn để tự thân chúng sanh chuyển nghiệp. Đây cũng là tôn chỉ trong Raki, tu tập vận hành năng lượng vũ trụ để tự chữa bệnh.
Rung động
Những thời kỳ nhân lọai tiền sinh, sử dụng năng lực từ sự rung động trong tư tưởng, ý niệm đã một thời lưu lại trên hành tinh chúng ta. Thời đại của chủng tộc Lemuri - Atlantic là một trong những kỷ nguyên văn minh của hành tinh. Họ có những thiết bị bay do năng lực từ sự rung động năng lượng, biết xử dụng năng lực tâm linh để xây dựng các Kim tự Tháp....Chất xám bấy giờ đang ở đỉnh cao của khoa học tâm linh, chưa thiên hướng về vật chất như khoa học ngày nay. Vào thời kỳ đầu của chủng tộc Lemuri, tức người viễn cổ, phát âm bằng mũi, không chỉ phát tầng âm bình thường mà còn ở tầng sóng siêu âm và sóng hồng ngoại, do vậy, năng lực của cổ nhân là bất khả tư nghì.
Trong lãnh vực khoa học hiện đại, tuy chưa phát triển bằng nền văn minh Kim Tự Tháp, Angkor, Nhân sư…cũng đã sử dụng sóng từ để điều khiển, kích hoạt như quang tuyến, Laser trong y học, quân sự, không gian và tiện nghi đời sống, bộ điều khiển cầm tay sử dụng trong gia đình cho máy móc…tất cả đều xử dụng dưới dạng sóng âm mà thường gọi cảm ứng điện từ. Từ những sóng âm, khoa học có thể điều khiển hoặc phá hủy một vật cách xa trên mặt đất như phá hủy một vệ tinh nhân tạo trên không trung.
Bàn tiếp về rung động của định lực, một dạng năng lượng siêu nhiên, sức mạnh hội tụ mà không có một khí cụ vật chất nào sánh được. Một khi hội tụ được năng lực do khổ công tu luyện, ý lực khởi xuất thường từ trung khu thần kinh, tác động, hướng đến mục đích, biến thành bước sóng năng lượng như máy phát điện hay trung tâm truyền thanh phát tín hiệu dưới dạng sóng. Mở trúng tần số, máy sẽ nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh. Khác với khí cụ, ý lực của có thể phát tán và thu hồi tùy ý, khởi phát đến bất cứ nơi đâu đều không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thường ý lực được truyền đi dưới dạng rung động tích cực, nên ánh mắt của các vị chân sư luôn đượm vẻ trong sáng, tràn đầy tình thương và nghị lực. Trước sức mạnh tâm linh này, đa phần đối tượng thường dể bị cảm hóa và quy phục.
Chẳng hạn có câu chuyện nói về việc cảm hóa chàng Vô Não giết đủ 100 người để được thầy truyền pháp, Đức Phật là người cuối cùng mà Vô Não gặp được, nhưng cũng là người được Đức Phật chuyển hóa từ ác sang thiện bằng ý lực siêu nhiên của bậc giác ngộ. Trường lực của sự dao động bởi lòng từ bi, tình yêu thương vô hạn đến nhân loại tạo cho bầu sinh khí chung quanh thoải mái, nhẹ nhàng. Một hành giả có nội lực uyên thâm, càng tạo một cảm giác an ổn cho người chung quanh hoặc cho vùng ngài đang hiện diện. Ngồi gần một bậc có năng lực như vậy, mọi tâm tư thắc mắc của ta đều được hóa giải như khối đất khô bị tan loãng bởi nước, cho dù không được các ngài dẫn giải một điều gì, nhưng chắc chắn chúng ta có nhiều lợi ích khi gần các ngài và luôn thích gần các ngài.
Vào một ngôi nhà hay đến một ai, bầu không khí sáng mát nhẹ nhàng, biết rằng sinh khí nơi đó thấm đượm tâm thiện, ngược lại một nơi có có vẻ u ám, ngột ngạt khó chịu, không muốn ở lâu, nơi đó đang tích tụ ám khí của tần số thấp, ma lực. Như vậy Phật lực, Thánh lực và Ma lực đều có những tâm thái thông qua trường lực khác nhau, trực quan chúng ta có thể phân biệt dễ dàng. Người có tâm lực mạnh, được nhiều người ái mộ quý mến.
Năng lượng
Các chấn động lực của vũ trụ luôn ẩn tàng và hiển lộ, như tầng sóng ngầm dưới đáy đại dương. Một Big Bang khởi động luôn có chấn động lực đi liền với ánh sáng và khối lượng phát tán, đó là khởi nguyên của vũ trụ. Nói theo nhà thần học Chardin là tiềm lực tiền sinh, nhưng tiềm lực tiền sinh này không phải một quyền năng toàn diện và hoàn hảo mang tính chỉ huy, mà là dạng tiềm lực tiền sinh sơ đẳng nguyên tính để rồi hàng tỷ năm đúc kết kinh nghiệm mà đa dạng sự sống. Vì vậy sinh mệnh đầu tiên là nguồn sáng, chưa có thân vật chất nên không bị chướng ngại.
Theo kinh tạng Phật giáo, con người đầu tiên xuất hiện trên tinh cầu này là một quang thân, do nếm thử đất thơm của quả địa cầu vừa hình thành nên mất thần thông, có nghĩa khi khởi ý tham, trí tuệ liền bị gián đoạn. Điều này không phải là sự trừng phạt vì không hề có chủ thể hay đối tượng, đây chỉ là kết quả từ quy luật của vũ trụ. Một cái "nhân" sẽ tạo một cái "quả" lòng ham muốn không được thỏa mãn sẽ tạo đau khổ. Dù được thỏa mãn, nó sẽ tạo nên những ham muốn khác nữa cho đến khi không thể thỏa mãn. Sự đau khổ luôn luôn gia tăng theo đà ham muốn, càng ham muốn nhiều thì khổ đau càng lớn. Hiển nhiên tình trạng này không kéo dài mà sẽ chấm dứt ngay khi sự ham muốn không còn nữa.
Vì sao có sự tha hóa?
Sinh mệnh đầu tiên trong vũ trụ mang thân ánh sáng, là những sinh mệnh thuần khiết, vô nhiễm. Qua hàng triệu năm những chu kỳ thánh đức ra đời, những năng lượng xấu xuất hiện, tạo thành lực lượng đối trọng với năng lực thánh đức, thu hút những quang năng tương thích lập thành vật chất đen, tiêu cực. Có khuynh hướng đi xuống, xa dần năng lượng tinh khiết ban đầu, trong các tôn giáo gọi là ma quỷ. Cũng có những lực lượng bị đen tối, bởi những sự bất toại, thề nguyền trong cuộc sống. Khó giải thoát và luôn ở trong trạng thái trả thù hoặc yểm trợ kẻ cùng thiên hướng có chung tần số. Và những quang năng trong suốt đó đã trở thành ô trược nặng nề.
Như đã đề cập ở trên, khởi nguyên vạn vật là nguồn sáng thuần khiết. Quá trình vận hành, trao đổi của các sinh mệnh ánh sáng trong hàng tỷ năm biến vũ trụ thành nhiều dạng ý thức và tâm thức đa chiều. Vì vậy sự cảm nhận và ý thức cũng sai biệt ở một trình độ sai biệt nhất định. Tín ngưỡng khởi nguyên không là tôn giáo hay thần thánh, mà là năng lượng rung động ở thể vô cực hướng đến trí tuệ và sự sáng tạo. Dấu ấn của nó vẫn còn lại phảng phất nơi các tôn giáo cổ và nhất là Phật giáo. Tuy Phật giáo ngày nay đã xuống cấp như một tôn giáo đáp ứng trình độ nhân loại bị tha hóa nhưng tinh túy vẫn hướng con người khôi phục sáng trí tuệ. Mỗi ngày, con người khai triển một tín ngưỡng mới lạ, không những ở đất nước chậm phát triển mà ngay cả trên xứ sở văn minh, không thiếu những tôn giáo cuồng tín, phản khoa học.
Hoặc kẻ phát minh cảm ứng một tín hiệu sóng âm được gọi là ơn soi sáng, dẫn dắt. Hoặc như cầu cơ của đạo Cao Đài, hoặc các tiên tri của thần giáo, hoặc cải biên từ một tôn giáo đi trước như Tin Lành. Cũng có thể phát xuất từ một ý thức chính trị hoặc triết lý nhân sinh như đạo Khổng...
Một số giáo phái cuồng tín phản khoa học xuất hiện khắp nơi trên các quốc gia văn minh như giáo phái mặt trời ở Nhật, nhánh Tin Lành ở Nam Triều Tiên tin ngày tận thế, một nhóm Hồi giáo cực đoan…Tất cả những dạng này có chiều hướng đi xuống bởi lực ly tâm, rời xa bản chất của vũ trụ, chiêu cảm các dạng năng lượng tiêu cực tối tăm. Vì vậy ánh sáng trí tuệ bị ám đục, thiên hướng ma lực.
Và rồi các sinh mệnh vô minh phân chia chính các anh em của mình thành những danh từ không thể nào tươi sáng hơn:
Ma, quỷ, đồng cốt: Thuộc dạng tần số thấp, chiêu cảm những tần sóng âm hạn hẹp và tối, bị ẩn uất trong cõi trung giới.
Bóng rỗi, đình miếu: Thuộc tâm năng tiết khí trung liệt chiêu cảm sóng âm cực đoan, nóng nảy của các Atula.
Tứ phủ: Những tâm năng ra khỏi thần lực nhưng chưa phát triển thánh lực.
Thầy mo, phù thủy, thầy pháp…là những tay thợ nắm phương thức chiêu dụ các sinh mệnh ở rung động thấp. Vì lực lượng âm mà họ sử dụng sai khiến chưa thoát khỏi ách tắc tâm lý khi bước sang thế giới vô hình.
...
Con đường ý nghĩa
Cách giải thoát của đạo Phật là giải thoát khỏi sự ràng buộc những bất toàn trong cuộc sống tăm tối. Tìm lại sự tự do tuyệt đối như chư Phật đã thể hiện trong các quang thân trong sáng. Chẳng hạn đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni có sự sáng chói của ánh sáng vàng kim.
Đây là một sự thật chứ không phải một mô tả cường điệu vì sự sùng kính. Các nhà nhân chủng, khảo cổ, sử gia thế giới đã tìm đâu đó một lịch sử nhân loại thuở khởi nguyên có những quang thân năng lượng như vậy. Bác sĩ giải phẩu người Nga E-Rơ-Nơ Mun Đa Sép, từ một nghiên cứu khoa học duy vật trong thế kỷ XXI đã vô tình chạm phải ranh giới khoa học tâm linh. Nơi đó sự thú vị lẫn kinh ngạc trước cái vĩ đại khó lường của năng lực tâm linh, để rồi chính tự thân bác sĩ cùng đoàn khoa học gia phải xác nhận những kiến thức hạn hẹp của mình giữa cái vô tận mầu nhiệm của kiếp người. Nơi đó, các Lạt Ma, đạo sư, những chủng tộc văn minh cực điểm của loài người hàng triệu năm trước còn lưu xác như một quỹ Gen cho nhân loại khi loài người bị hủy diệt cũng như đã từng bị hủy diệt.
Không phải vô tình mà các tôn giáo khởi xướng tâm linh, vì tâm linh quyết định hữu hiệu những hạn chế mà khoa học vật chất không thể chu toàn, cái cơ bản của tôn giáo là tâm linh. Các tôn giáo lớn, nếu loại trừ những lễ nghi, tập quán xã hội thì có một điểm chung là nâng cao tâm thức. Mỗi tôn giáo có mỗi phương cách thanh tẩy tâm linh, mỗi pháp hành một giá trị nhất định. Đều hướng về năng lượng tinh thần. Ánh sáng trí tuệ không phải là một cách biểu đạt tượng trưng mà là đặc trưng. Vì trí tuệ là ánh sáng tâm linh, một trong những năng lượng nguyên thủy của vũ trụ từ lúc hình thành. Con người có khuynh hướng tha hóa, ly tâm, đi xuống chốn sai lạc, bất toàn và khổ đau. Nên tôn giáo có bổn phận giúp đỡ, hồi tỉnh, thoát ly cái phiền trược thể chất, phục hồi giá trị năng lượng sinh học và tinh thần của các cá thể để họ được hòa nhập với vũ trụ.
Vì con người là tế bào của vũ trụ, việc tìm lại thế cân bằng với vũ trụ sẽ đưa con người tiến đến thời đại phát triển tột đỉnh của kỷ nguyên sáng tạo và chỉ sáng tạo tích cực trong sự phát triển của vũ trụ - thiên ý của Thượng Đế.
Xem thêm các bài viết khác tại: https://www.thientaisinh.com/category/bai-giang-raki/thuong-de/