Tâm tỉnh thức, sẽ không sợ hãi
Hãy tin tưởng mãnh liệt vào các quy luật phát triển tự nhiên của thế gian. Vì những gì đang đến cho bạn, một chúng sinh đang tồn tại tại đây, không còn quan trọng nữa. Đối với bạn, cuộc sống không còn là nỗi lo âu và bận tâm nữa. Cho dù điều gì xảy ra đi nữa thì cái tốt nhất, cái xấu nhất, lời khen, tiếng chê, thành công, thất bại, bị ung thư máu, cưới được người yêu cũ hay được khỏe mạnh đến năm 100 tuổi và bình yên từ giã cõi đời này trong tư thế thiền định. Thì bạn hãy tin tưởng rằng các quy luật vũ trụ sẽ diễn biến theo cách tự nhiên của nó và chúng ta nên chấp nhận điều này như là cái gì thật và tự nhiên. Hãy xem mọi việc xảy ra như là chân lý thay vì tìm cách diễn giải và cho nó một tính chất cá nhân riêng lẻ.
Trong đạo Phật thường nói về lòng dũng cảm và tinh thần vô úy. Bất cứ lúc nào chúng ta có cái nhìn cá nhân riêng lẻ, chắc chắn chúng ta sẽ sợ hãi, và trở nên nhút nhát.
Con người thường nghĩ: "Tôi sẽ đau khổ. Tôi sẽ mất đi những gì tôi thương yêu. Tôi sẽ đau yếu, trở thành một người tàn tật, chịu nhiều đau đớn. Mọi người đều ghét bỏ tôi, và tôi sẽ bơ vơ một mình. Cuộc sống sẽ trở thành kinh hoàng. Tôi sẽ lạc loài, cô đơn, không tình thương, đau đớn, già nua và bệnh tật, ôi tội nghiệp cho tôi quá!"
Số phận như thế quả thật đáng sợ. Nhưng khi những lo sợ này được quan sát như là các quy luật tự nhiên, đến rồi đi, thì ngay cả cái gì ghê gớm và kinh khủng nhất chúng ta cũng có thể chịu đựng được. Con người và hoàn cảnh của chúng ta hiện nay chỉ là tạm thời. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa sự sinh và sự chết của tấm thân làm người này. Như thay một chiếc áo đã cũ. Và trong quá trình chuyển tiếp giữa sự sinh và sự chết này, những gì chúng ta có được chính là cơ may để giác ngộ. Thế thì cái gì là bản chất thật sự của tôi?
Đó là sự bình yên, trí tuệ, thanh thản, bình tĩnh, và trong sáng. Chỉ có sự thấy và biết, chỉ có sự trong sáng rõ ràng và không có cái gì là thuộc cá nhân cả. Tâm tỉnh thức này không là của tôi, nó cũng không phải là của bạn. Khi chỉ có sự trong suốt, trí tuệ, và rạng rỡ, thì lúc đó chúng ta có thể gọi đó chính là "chủ thể thật sự" - Thượng Đế.
Vô vi nhi vô bất vi
Tạm dịch là "không làm gì mà không gì là không làm" Hiểu một cách nôm na là, nếu bạn không làm gì mà thấy không việc gì thì không nên làm. Thiên nhiên trời đất vốn đã vận hành thành chu kỳ tự nhiên, nếu chúng ta tác động vào một yếu tố nào đó thì cũng là làm đảo lộn chu trình trên. Nếu chúng ta không làm gì cả thì tức là đảm bảo được chu trình trên vẫn hoạt động bình thường.
Thuyết này đặc biệt hiệu quả trong trường hợp chúng ta chưa biết phải làm thế nào khi đứng trước một sự việc, theo Lão Tử thì tốt nhất là không nên làm gì cả!
Vô vi không có nghĩa không làm gì, nhưng để sự việc phát sinh một cách tự nhiên trong sự hòa hợp với Đạo. Và vì vậy cần thực hiện những gì cần thiết, nhưng không vượt quá nhiệt tình và hành động mù quáng, được coi là một trở ngại, mà là dễ dàng, nhẹ nhàng và thoải mái. Là một trạng thái của sự im lặng nội tâm, vào đúng thời điểm, hành động đúng có thể xuất hiện mà không cần nỗ lực của ý chí. Là sự mách bảo của trực giác một khi đã tỉnh thức, việc gì cần sẽ có sự thôi thúc phải thực hiện.
Ví dụ như khi chứng kiến cảnh con hổ vồ con hươu để ăn thịt, nếu chúng ta bắn chết con hổ để cứu con hươu thì chúng ta đã có thể giết hại cả đàn hổ con đang ở nhà chờ miếng ăn của hổ mẹ. Nếu chúng ta giúp con hổ bắt con hươu dễ dàng hơn thì lại có lỗi với con hươu. Nếu chúng ta cứ để cho sự việc xảy ra tự nhiên thì là phải đạo nhất. Nhưng làm sao để biết việc đã, đang hoặc sẽ xảy ra sẽ "không việc gì"?
Hãy thả lỏng
Càng buông bỏ những ràng buộc trong cuộc sống, và khi nhận ra rằng tất cả những gì sinh ra đều hoại diệt thì bạn sẽ thấy được cái sự vô vi, nghĩa là các quy luật vũ trụ không bị giới hạn bởi những nhân duyên của thế gian.
Theo đạo Phật, có pháp hữu vi và pháp vô vi, pháp duyên khởi và pháp vô sinh. Bạn không thể dùng tư duy để hiểu pháp vô vi hay pháp vô sinh. Dù cho bạn có thể dùng tên gọi nhưng bạn không thể nhận biết nó. Vì không có biểu tượng tôn giáo hay ngôn ngữ nào có thể dùng để hiểu được. Nhưng bạn có thể xây dựng một giáo thuyết về nó, vì thế các tôn giáo thường dùng những giáo thuyết siêu hình để diễn tả và làm cho người ta tin vào đó. Tuy nhiên, vì giáo pháp của Đức Phật không phải là một học thuyết siêu hình. Ngài khuyên chúng ta nên tự mình chứng ngộ. Vì thế trong đạo Phật, không có một giáo thuyết siêu hình nào cả, và sự vắng mặt của giáo lý siêu hình này chính là nhân tố thuận lợi thúc đẩy bạn đi đến chứng ngộ thật sự. Sự chứng ngộ sẽ giúp bạn hiểu rằng thế giới hữu vi sinh rồi diệt. Nó không vĩnh cửu và vĩnh cửu, rất giới hạn nhưng cũng vô tận. Nó chỉ là những thay đổi, chuyển động hay rung động trong vũ trụ bao la này.
Dùng thuật ngữ và khái niệm để mô tả sự chứng ngộ có thể làm chúng ta hiểu sai vấn đề. Đã từng có các cuộc trao đổi với các tín đồ Ky Tô giáo, và nhận thấy những hành giả Ky Tô giáo đang tiến gần đến các hành giả Phật giáo. Và họ đã phát biểu những điều gần như đi ngược lại với truyền thống tôn giáo của họ như "Thượng Đế là không hay Thượng Đế không là cái gì hết". Đối với người Phật tử, có lẽ khái niệm "không là cái gì hết" mô tả khá chính xác khái niệm Pháp vô vi hay Pháp vô sinh trong đạo Phật. Ngược lại, Ky Tô giáo theo truyền thống ba ngôi thường mô tả Thượng Đế như vừa là Cha, Con, hay Thánh Thần. Ky Tô giáo theo truyền thống thần bí thì vượt lên trên khái niệm ba ngôi và nói về tính chất huyền bí hay điều không thể hiểu được trong kinh nghiệm chứng ngộ của họ. Những tín đồ Ky Tô giáo theo truyền thống thần bí không có cùng ngôn ngữ tâm linh của đạo Phật, nên họ diễn tả theo cách khác.
Nhưng nếu bạn vượt qua biên giới của ngôn ngữ, quên đi các kiến thức về tôn giáo đã cố hữu trên Trái Đất này, bạn sẽ thấy sự chứng ngộ là những kinh nghiệm xảy ra khi tâm thức không còn bị chi phối bởi cái ngã, và không còn tùy thuộc vào thế giới hữu vi.
Dính mắc vào nguyên tắc và truyền thống luôn là điều nguy hiểm. Ngay cả trong đạo Phật, mặc dù những lời dạy của Đức Phật là đẹp và trong sáng biết bao, nhưng ít người chịu tu hành theo những lời dạy này để được giác ngộ. Họ thường bị dính mắc vào một bộ phận nào đó của giáo lý.
Một tâm hồn đẹp
Có một câu chuyện về một vị thiền sư: "Khi ngài ấy tĩnh tại trong rừng một thời gian dài, ngay cả không có sách làm bạn (điều khó nhất đối với vị thiền sư ấy), ngài vẫn giữ định tâm lúc đó. Như thế, tâm ngài trở nên rỗng rang và thinh lặng… nó nở ra.. và trở thành tự do. Ngài quên ngay cả chính bản thân. Và bất chợt có sự cảm tưởng như là liên đới với toàn thể vũ trụ. Ngài sống trong thế giới, sống trong vũ trụ, ngài cảm thấy gắn bó với cây, chim, thú, động vật, với mọi người, với trăng sao. Đó là kinh nghiệm rất mạnh mẽ trong đời của ngài".
Thời nay, nhiều người cảm thấy ngày càng biệt lập. Họ không cảm thấy liên đới, ngay cả với những người trong gia đình. Nhưng khi cảm nhận được sự liên đới với toàn thể vũ trụ, sẽ không cảm thấy cô đơn chút nào. Sự thực là tâm thức con người đang dần được khai mở và người có trí tuệ ngày càng nhiều trên thế giới. Mặc dù thỉnh thoảng, tin tức báo chí về tình hình thế giới là rất đen tối và bi quan, tuy vậy hãy nên cảm thấy lạc quan vì con người đang có sự đổi thay. Chỉ trong kiếp sống này thôi, tất cả sẽ chứng kiến được sự lột xác và phát triển vượt bậc trong sự hiểu biết về tâm linh và trí tuệ của con người, đứng lên trên tất cả truyền thống và nguyên tắc tôn giáo.
Để vượt qua cô đơn, hãy sống trong từng giây phút, chuẩn bị một tâm hồn đẹp để đến được vũ trụ ngay trong chính mình. Định tâm sẽ làm cho bạn mạnh mẽ lạ thường và phát huy được năng lực từ sâu thẳm bên trong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét